Không chỉ để mời khách phương xa mà người Quảng tha hương trở về đều tìm đến quán ăn bát don quê. Vị cay của ớt bay, vị ngọt dịu của bát don có màu đùng đục... từ lâu món don ăn dân dã trở thành đặc sản của tỉnh này...
Thực khách đến Quảng Ngãi muốn tìm quán don nhanh nhất là đến ngã ba Cống Kiểu nằm trên đường Quang Trung, gần Trường THPT Trần Quốc Tuấn. Nếu có thời gian thì theo đường Lê Trung Đình về đất Thu Xà (cách TP Quảng Ngãi chừng 10km) hoặc cũng theo con đường này, nhưng đến ngã tư Ba La đi về hướng bắc dọc dòng sông Trà xuống vùng Nghĩa Phú tìm đến những quán don nằm sát bên đường để thưởng thức món don. Còn muốn hỏi chuyện về don, chắc sẽ được trả lời bằng câu ca dao nằm lòng mà ai cũng thuộc:
"Nghèo nghèo, nợ nợ
Cũng cưới con vợ bán don
Mai sau nó chết cũng còn cặp ui"
Chuyện “cặp ui” là chuyện của một thời. Trong ký ức của người dân từng sống ở thị xã Quảng Ngãi (nay là TP Quảng Ngãi) thập niên 1960, 1970 chẳng ai quên những gánh don bán trên đường Trần Hưng Đạo.
Don đã nấu chín
Thời đó, con đường Trần Hưng Đạo có xe ngựa chạy thay xe thồ. Trong mờ sương sớm, người dân hai bên phố nghe tiếng vó ngựa chạy trên đường thì cũng là lúc những người bán don xuất hiện. Người bán don dùng quang gánh, một đầu gánh ui đất có chứa nước don (để giữ độ nóng lâu và dùng ui đất vẫn cứ tốt hơn dùng thau nhôm nhựa) và một đầu gánh bát, muỗng và chồng bánh tráng bỏ vào bao nilông xếp cao nghều.
Dùng ghe đi nhủi don ở hạ lưu sông Trà Khúc
Như đã được mặc định từ trước, người ăn gánh don nào thì quen mặt, quen hàng, người bán chẳng hề rao, ai gọi thì dừng lại, dựng đòn gánh lên mở ui múc don vào tô, bỏ thêm ít củ hành tây, hành lá và chẳng quên kèm với chiếc bánh tráng, trái ớt bay (có người gọi là ớt hiểm, trái nhỏ cay xé). Khách sau khi nhận bát don bốc khói, dùng cái muỗng dằm trái ớt xiêm thong thả bẻ bánh tráng bỏ vào chỉ đủ khi bánh tráng vừa ngậm nước thì múc ăn.
Thi thoảng có thực khách bưng bát nước don lên húp sùm sụp. Một bát don chỉ 3.000 đồng. Giá mềm mà vị ngon, lại dễ tiêu nên già trẻ, sang hèn đều khoái khẩu.
Con don vừa đánh bắt được dưới sông
Bây giờ, “công nghệ" nấu, bán tô don đã được cải tiến nhiều. Ở Quảng Ngãi, hàng quán bán don buổi sáng, buổi chiều và cả đêm tối. Thế nhưng, đi dọc cả tỉnh cũng chẳng tìm đâu ra người gánh don đi bán và đựng don trong ui (bằng đất nung) nữa. Thay vào đó, chủ quán nấu trong nồi nhôm. Một số quán còn xào don xong để trong bát, khi có thực khách đến thì múc ra tô đổ nước sôi vào. "Công nghệ" này tiện lợi thì có nhưng chất lượng tô don giảm sút nhiều.
Gặp khí trời động, không cào nhủi được don, một số quán dùng con hến thay don nên vị nhạt. Bởi con don khác con hến là tuy cùng có vỏ màu vàng nhạt nhưng loài don ruột có hai miếng như lá phổi màu vàng lợt, có tua hồng hồng có râu dài, nhưng hến thì không có, mặc dù họ nhà don hến cùng sinh sôi trên một dòng sông.
Rồi theo thời hiện đại, con don được theo những kiện hàng ướp đá vào Nam ra Bắc. Người ta bán don theo kiểu don thì ít mà hến thì nhiều, hoặc xào don rồi đổ nước sôi có bột ngọt vào nên vị cứ nhạt. Do vậy, muốn ăn tô don đúng vị của nó, thực khách hãy về Quảng Ngãi nhờ chủ quán múc cho bát don có màu đùng đục và cũng đừng nên bỏ bánh tráng sống vào, mà hãy dùng như thời xưa chỉ cần bát nước don có lá hành, hành tây, trái ớt hiểm và bánh tráng là đủ.
Phân loại don và hến
Bát don bày lên bàn cho thực khách, nhưng trái ớt không phải là ớt bay
Để có tô don làm hài lòng thực khách là câu chuyện dài. Mặc dù ở miền Trung có lắm sông, nhiều suối, nhưng chỉ ở hạ lưu nơi con sông Trà Khúc và sông Vệ gặp biển mới có con don. Cứ từ tháng giêng đến tháng 7 âm lịch, khi con sông Trà, sông Vệ trong xanh không có những dòng nước đục ngầu từ trên nguồn đổ về. Người dân mang nhủi (vật dụng đan bằng tre hình rẽ quạt, phía trên có cán để cầm) ra sông nhủi. Đây là nghề của cư dân nghèo. Muốn nhủi được don họ phải dầm mình trong dòng nước. Khi nhủi thì thu được cả con don lẫn con hến.
Nhủi xong, người dân đem bán cho các chủ vựa, chủ vựa bán cho các chủ quán đem rửa sạch rồi phân loại don, ốc và hến ra riêng. Sau đó, họ đem don chà sạch nấu nước sôi bỏ vào luộc, đãi lấy ruột don và lấy nước này nấu chừng vài chục phút là có thể múc ra tô để hầu thực khách.
Tô don xứ Quảng có thừa vẻ dân dã nhưng cũng đầy phong vị, là đặc sản của vùng đất Quảng Ngãi khô cằn, đầy nắng gió và mưa lũ. Có dịp đi ngang Quảng Ngãi bạn hãy thưởng thức một bát don!
Theo báo Tuổi trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét