Bạn chôn kín tình cảm trong lòng mình và âm thầm quan tâm, theo dõi người ấy…
Nhưng làm sao để người ấy hiểu được mà không cảm thấy ràng buộc, khó chịu?
Hãy hỏi, nhưng không cần câu trả lời
Thật khó để bắt bạn phải ngậm ngùi im lặng chôn kín tình cảm của mình. Nhưng nếu thổ lộ quá nhiều, người ta sẽ cảm thấy khó xử. Cách tốt nhất là hãy để đối phương tự nguyện, có thể họ muốn trả lời bạn cũng được, mà không cũng chẳng sao. Điều quan trọng là người ấy hiểu được ý của bạn thế nào.
Hạn chế hỏi những câu quá “nghiêm trọng”, chẳng hạn như: “Ấy có tình cảm với mình không?”, “Ấy có cho mình cơ hội?”, “Liệu mình có quan trọng với ấy?”… Sẽ rất khó xử vì đó là những câu hỏi “không có ranh giới yes - no nhất định”, vì chính người bạn yêu thầm cũng đang chưa xác định được tình cảm của mình. Do vậy, đừng quá vội vã.
Hỏi mà không cần trả lời có nghĩa là những câu hỏi bình thường trong cuộc sống thường nhật. Ví dụ bạn nhắn tin hỏi người ta: “Đang làm gì đó?”, “Đã ăn cơm chưa?”, “Hôm nay vui chứ?”… Có thể người ấy sẽ chẳng màng đến sự quan tâm của bạn, nhưng đừng vội nản chí, cũng đừng “khủng bố tinh thần” người ấy bằng cách hỏi dồn dập thêm nữa hoặc bắt phải trả lời. Cứ quan tâm một cách không đều đặn, và người ấy không trả lời cũng chẳng là vấn đề khiến bạn bận tâm.
Lắng nghe và hạn chế nói bừa
Nhiều bạn cho rằng, khi nghe người khác tâm sự, luôn cần phải khuyên, chia sẻ, hay cố gắng làm người ấy vui. Không hẳn. Chỉ cần bạn im lặng lắng nghe là đủ. Những lời nói được thốt ra không đúng lúc có thể sẽ khiến bạn trở nên thật ngốc nghếch và nhàm chán.
Một vài người thường có thói quen “không biết nói gì thì nói đại”. Chẳng hạn như khi nghe người ta kể chuyện buồn thì nói: “Đúng là buồn thật”, “Ừ”, “Vậy à”… Có thể bạn chỉ vô tình, nhưng những câu như vậy dễ gây hiểu lầm rằng bạn thờ ơ và thiếu thiện chí. Tốt nhất là nên đặt câu hỏi để thể hiện rằng bạn muốn biết thêm vấn đề, hay nói bằng những câu an ủi thực tế thay vì lặp lại những gì người ấy chia sẻ, chẳng hạn như: “Nếu là mình, chắc mình không vượt qua được điều đó”, “Hiện giờ tâm trạng của ấy thế nào rồi?”
Không được tỏ ra bi quan, chán nản…
Bạn cảm thấy chưa phải lúc để thú nhận tình cảm, thì hãy chôn giấu cảm xúc trong lòng nhưng đừng bao giờ thể hiện rằng bạn buồn, đau khổ, mệt mỏi, ưu tư, nặng lòng… vì điều đó. Như thế vô tình tạo một áp lực lên người mà bạn yêu thầm và họ sẽ có khuynh hướng tạo khoảng cách với bạn. Hãy xem như là “duyên nợ”, nếu được thì tốt còn không thì cả hai vẫn là bạn bè.
Cho người ấy được tự do cũng là một cách yêu thương
Bạn không “tra khảo” về cuộc sống bạn bè, những mối quan hệ xung quanh, cũng như xúc cảm riêng tư của người ấy. Dù cho bạn có thấy người ta chụp ảnh thân mật với người khác giới nào đó trên facebook, hay ghi một status tình cảm mà bạn chắc chắn nó không dành cho bạn, thì cũng đừng quan tâm làm gì. Càng hỏi và càng biết những điều bạn không nên biết, thì bạn sẽ lại buồn và hành xử thiếu tự tin. Tạo cho người ấy sự tự do cũng là một cách khiến người ấy cảm thấy vui khi bên cạnh bạn. Và dù cho bạn yêu thầm mà người ấy không hay biết, thì với người ấy, bạn vẫn là một người cực kì quan trọng. Dẫu sao thì chiếm một vị trí quan trọng đối với người ấy đôi khi còn tuyệt vời hơn việc trở thành “một nửa”
Sến? Không nên
Dù bạn có tình cảm với người ấy thì cũng nên trò chuyện một cách thực tế. Đừng cố gắng nói chuyện hoa mĩ, văn chương, cũng không nên dành những lời nói có cánh. Con gái yêu bằng tai, có thể đúng một phần, nhưng nếu bạn cứ nói chuyện một cách “không bình thường” với người ta, kèm theo bóng gió, ẩn ý quá đà, người ta sẽ không thích, thậm chí thấy mệt mỏi, áp lực. Cách tốt nhất là hãy cứ trò chuyện như những người bạn, nói chuyện một cách tự nhiên, dễ chịu và không cần phải ngọt ngào, dịu dàng quá mức làm gì.
o0o
Những quy tắc này không khó để thực hiện. Nên nếu bạn đang trong giai đoạn yêu thầm và muốn giữ một hình tượng tốt để thuận lợi khi “tỏ tình” sau này, thì hãy ráng thể hiện bản thân theo cách tốt nhất bạn nhé!
Demi Twinkle ®
0 nhận xét:
Đăng nhận xét